Tất cả bài viết

Được tạo bởi Blogger.
      Phẩm chất anh hùng mà cùng với nó là hiệu quả gây cười mỗi lúc được đẩy cao hơn ở Don Quyxote lộ rõ khi chàng đơn thương độc mã đối mặt với kẻ thù. Nếu ở đoạn trên, người kể chuyện hoàn toàn sử dụng ngôn từ đối thoại để dẫn dắt truyện (cách trần thuật này nhằm tạo hiệu quả sinh dộng trong khắc hoạ tính cách nhân vật, người kể để nhân vật tự bộc lộ mình) thì tiếp theo đây, người kể xuất hiện, dùng lời phân tích tâm lí và miêu tả để làm nổi bật hình ảnh người anh hùng: “Nói rồi, Don Quyxote thúc con Rocinante xông lên”. Thái độ kiên quyết của chàng hiệp sĩ được khẳng định qua các cụm từ miêu tả: “Chẳng thèm để ý”, “trong bụng vốn đinh ninh”, “chẳng những không nghe lời can”… mà “cũng không nhận ra”…

Đánh nhau với cối xay gió và những hành động

Cervantes, rất tài tình trong nghệ thuật khắc hoạ nhân vật bất bình thường của mình. Thế giới thực không có nghĩa lí gì đối với Don Quyxote và cả những lời khuyên ngăn đầy tỉnh táo cũng thế. Mặt khác, đây còn là thủ pháp tài tình dể tác giả “hợp lí hóa” hành động điên rồ của Don Quyxote, bởi nếu để chàng để ý đến lời khuyên của Sancho hay nhận ra thì chắc hẳn chàng sẽ bừng tỉnh khỏi cơn mê của mình.

Giống mọi hiệp sĩ tài ba trong nghi thức giao đấu, Don Quyxote thét lên thách thức: “Chớ có chạy trốn, lũ hòn mạt nhát gan kia, bởi duy nhất chỉ có một hiệp sĩ tấn công bọn mi đây”. Tiếng thét này hoàn toàn phù hợp với lôgíc tâm lí được miêu tả bên trên (“trong bụng vốn đinh ninh phía trước là những tên khổng lồ”) của Don Quyxote. Và cũng phù hợp với sự vận động được miêu tả tiếp đó về những chiếc cối xay gió. Dường như thiên nhiên cũng phụ hoạ trong việc giúp cho Don Quyxote tin vào sự đúng đắn từ suy nghĩ của mình. Lại cũng là chuyện ngẫu nhiên xảy ra ngay sau lời thách đấu của trang hiệp sĩ: “Vừa lúc đó nổi lên một làn cơn gió nhẹ và các cánh quạt lớn của những chiếc cối xay gió bắt đầu chuyển động; thấy thế, Don Quyxote liền nói: – Dù cho bọn ngươi có vung nhiều cánh tay hơn cả gã khổng lổ Brianreo, các ngươi cũng sắp phải đền tội”.

Khổng lồ đi kèm với sức khỏe phi thường và nhiều cánh tay. Quả thật, Don Quyxote hoàn toàn không thế nào ý thức được mình đang đánh nhau với mấy cái cối xay gió. Với chàng, đấy là sự thách thức của thế lực tội ác, thù địch và nhiệm vụ của chàng là bắt chúng phải đền tội.

Và đây là nghi thức thứ hai của cuộc quyết đấu, chàng hiệp sĩ cầu xin tình nương giúp đỡ: “lão nhiệt thành tâm niệm cầu mong nàng Dulcinea của mình cứu giúp cho trong lúc nguy nan này; rồi lấy khiên che kín thân, tay lăm lăm ngọn giáo, lão thúc con Rocinante phi thẳng tới chiếc cối xay gió gần nhất ở trước mặt”.

Độ căng của hành động được đẩy đến đỉnh điểm bằng các cụm từ gắn với các cuộc đấu xáp lá cà: “khiên che kín” “lăm lăm ngọn giáo” phi ngựa “thẳng tới” nhưng đối thủ lại là “chiếc cối xay gió gần nhất”. Rõ ràng người kể không “đứng” về phía Don Quyxote, nói cách khác là không kể theo cách nhìn hiện thực của chàng hiệp sĩ vì nếu thế thì đoạn văn trên sẽ được viết là “phi thẳng tới tên khổng lồ gần nhất”.




Từ khóa tìm kiếm nhiều: than thoai hi lap, su thi hy lap